3 nghệ thuật bán hàng từ quầy nước chanh của một đứa trẻ

Chris Myers, Co-Founder & CEO of BodeTree – công ty giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ. Trong một dự án… bán nước chanh cùng con trai trong mùa hè, ông đã học được bài học quý giá về nghệ thuật bán hàng. Và đây là câu chuyện thú vị từ ông, được chia sẻ trên Forbes.


“Tôi dự định dạy con trai mình những bài học quan trọng trong cuộc đời từ quầy nước chanh này. Thế nhưng tôi bất ngờ nhận ra mình mới chính là người cần học hỏi, những bài học vô giá về nghệ thuật bán hàng”, Chris chia sẻ.
 

Bài học 1: Hãy gõ cửa từng nhà

 
Khi vừa dựng xong quầy hàng, tôi đã nghĩ sẽ chẳng có vị khách nào ghé đến. Là một người cha, không có gì khó chịu hơn việc nhìn thấy ngọn lửa nhiệt huyết dần tắt đi trong mắt con mình khi mọi thứ diễn ra không như mong đợi. Trong khi tôi còn đang suy nghĩ tìm cách để lôi kéo khách hàng thì thằng bé đã chạy vọt vào nhà, và sau vài phút đã trở ra với một tấm biển chỉ dẫn cỡ lớn. Không chần chừ tí nào, thằng bé tiến lên phía trước quầy, vẫy tấm biển thật nhiệt tình, và quay lại nói với tôi: “Bố ơi, bố xem, con là người cầm bảng hiệu này!”
 
Sau đó con trai tôi hướng về phía mọi người và gào lên thật to: “Nước chanh đây! Bánh quy đây! Xin mời, xin mời mọi người!” Không lâu sau, vài người ra khỏi nhà để xem tiếng động bắt nguồn từ đâu.
Nhờ vào chiêu quảng bá độc đáo này, chỉ vài phút sau, rất nhiều người kéo đến xếp hàng khiến tôi cũng phải lao vào phụ việc. Tôi đã không ngờ rằng kế hoạch của thằng bé có thể đạt hiệu quả đến như thế, và chợt nhận ra phương pháp của tôi thế mà lại hoàn toàn sai lầm. Tôi là kiểu người sẽ ngồi sau chiếc bàn và chờ khách hàng đến, còn con trai tôi lại không kiêng sợ bất cứ điều gì cả.
 
Không quan trọng là bán nước chanh hay phần mềm máy tính, để thành công, bạn cần phải hoà đồng, đam mê và dám đương đầu thử thách. Thông thường, các doanh nhân lại quá chú trọng đến sản lượng bán ra, và dễ dàng rơi vào cái bẫy tâm lý "hữu xạ tự nhiên hương". Tuy nhiên, cách bán hàng đúng đắn là bước ra đường và gõ cửa từng nhà một.
 

Bài học 2: Đa dạng hoá sản phẩm

 
Khi con trai tôi nói muốn mở một hàng nước chanh, tôi đã nghĩ nước chanh là mặt hàng kinh doanh duy nhất. Thế nhưng khi bắt tay vào việc, thằng bé lại nói cần một cái bàn trưng bày lớn hơn. Sau đó tôi mới biết thằng bé đã bỏ ra cả tuần để làm những bức tranh và những tác phẩm nghệ thuật để bày bán thêm. Nó còn nướng thêm cả bánh quy vì nghĩ rằng: "Mọi người ai cũng sẽ thích dùng bánh quy với nước chanh".
 
Đó là một ngày nắng nóng, và hàng nước chanh, dĩ nhiên sẽ trở nên thật nổi bật. Và một khi có ai đó đến mua một ly nước chanh, thằng bé sẽ không ngần ngại hướng sự chú ý của họ đến cả những sản phẩm khác.
 
Vì nó hiểu rằng, khi có ai đó cảm thấy thật sự cần thiết để đến gian hàng, họ có thể cũng sẽ muốn mua thêm vài thứ khác tại nơi đó. Con trai tôi không bằng lòng với việc chỉ bán duy nhất một loại hàng. Thay vào đó, thằng bé muốn thu được giá trị cao nhất từ những vị khách đã ghé qua gian hàng của mình.
Thu hút khách hàng đã không phải là điều dễ dàng, vì vậy, một khi đã gây được sự chú ý, đa dạng hoá sản phẩm nhằm nâng cao lợi nhuận hết mức có thể, là một bước đi thông minh mà bất cứ doanh nhân nào cũng cần phải học tập.
 

Bài học 3: Hiểu rõ thứ mà khách hàng thực sự mua là gì

 
Bí quyết ở đây chính là xác định những sản phẩm và dịch vụ đi kèm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm ban đầu. Trong trường hợp này, sản phẩm là nước chanh và sự đáng yêu. Tại sao người ta dừng lại ở quầy nước chanh của một đứa trẻ? Đáp án chỉ đơn giản là vì hình ảnh đó thật đáng yêu.
 
Mấy ai có thể làm ngơ khi nhìn thấy một đứa trẻ làm việc gì đó bằng tất cả sự nỗ lực và đam mê? Con trai tôi nhận ra nguyên lý này và đã tận dụng một cách triệt để. Khách hàng không dừng lại chỉ vì muốn uống nước chanh, đó còn là vì sự đáng yêu của đứa trẻ. Hay nói cách khác, thứ họ mua chính là đứa trẻ, chứ không phải những sản phẩm mà nó bán. Vì vậy, vấn đề đã không còn nằm ở chỗ đứa trẻ bán món hàng gì nữa. Một cách đơn giản, nếu có người dừng lại, có nghĩa là họ sẽ mua hàng.
 
Thật bất ngờ khi nhận ra nghệ thuật bán hàng lại cơ bản đến như vậy. Cho dù là một đứa trẻ bán nước chanh hay là một chuyên gia bán công nghệ, những nguyên lý nền tảng đều như nhau cả.
 
Thú vị hơn chính là, những bài học giá trị nhất sẽ xuất hiện tại những thời điểm bất ngờ nhất. Thế nên, lần tới nếu bắt gặp một đứa trẻ bán nước chanh, hãy dừng lại nhé, vì biết đâu chúng ta lại có thể học được vài kiến thức về nghệ thuật bán hàng quý giá.

dantri.com.vn

Bài khác

Bài viết mới