5 nhóm khách hàng nhất định phải remarketing
Remarketing (Tiếp thị lại) là một cách quảng cáo hiển thị cho những người đã truy cập vào trang web của bạn nhưng chưa thực hiện hành động như bạn mong muốn. Một nhà tiếp thị bán lẻ không dùng Remarketing giống như một gã đi câu không mang mồi. Cơ hội bắt được một con cá (hay tỉ lệ chuyển đổi) sẽ thấp hơn rất nhiều nếu bạn không có công cụ (Remarketing) hữu hiệu.
Vấn đề là nhiều nhà bán lẻ đang tự hạn chế phạm vi hoạt động và chiến lược của mình bằng cách chạy Remarketing tự động mà không hướng đến đúng đối tượng, đúng thời gian và đúng thông điệp.
1. Tiếp thị lại cho khách mới ghé thăm lần đầu
Hầu hết các nhà tiếp thị bắt đầu chiến dịch Remarketing bằng những quảng cáo giống nhau hiển thị cho mọi khách hàng đã ghé thăm website. Dù đây không phải là một ý kiến tồi để tăng nhận diện thương hiệu, nhưng cần phải đảm bảo rằng ngoài “bám đuôi” khách hàng, bạn phải khuyến khích được họ quay trở lại.
Khách hàng mới chính là mục tiêu quan trọng nhất của bạn, thì bạn cũng phải đối xử với họ xứng đáng như thế. Họ vẫn có một ý nghĩa nào đó với thương hiệu khi đã ghé thăm website dù chưa đạt được chuyển đổi. Cần có điều gì đó níu giữ họ lại, chính là sự tin tưởng với sản phẩm và khích lệ mua hàng từ bạn. Giống như khi có ai đó đang cố làm quen, và bạn nghĩ tại sao mình phải đi cafe với anh ta trong khi ngoài kia có vô vàn chàng trai? Rồi người đó đề nghị đi đến quán yêu thích của bạn, và bạn bắt đầu nghĩ lại.
Remarketing cũng vậy. Khách hàng mới rất cần được khuyến khích, do đó cần cho họ thấy một động lực nào đó để thúc đẩy hành động.
2. Tiếp thị lại dựa trên danh mục sản phẩm
Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng không phải nhà Marketing nào cũng làm được. Ai cũng biết khi một người truy cập vào một trang sản phẩm cụ thể, điều đó có nghĩa là họ quan tâm đến sản phẩm đó. Và bạn cần dựa vào thông tin này để nhắc nhở khách hàng về sự tò mò trước đây của họ.
Chẳng hạn, bạn đang kinh doanh mặt hàng quần áo nam nữ. Bạn sẽ không muốn hiển thị cho một người đàn ông đang tìm kiếm áo khoác những quảng cáo về váy đầm nữ phải không? Bạn cần phải cho người đó thấy được đúng thứ anh ta đang trông đợi. Có một vị khách tìm kiếm một mẫu áo len trên website của Gap, một vài giờ sau cô ấy lập tức thấy một quảng cáo Remarketing gợi nhớ lại chiếc áo đang cần, và ngay khi tan làm cô ấy đã đi đến cửa hàng để mua nó. Cô ấy có thể mua một chiếc áo len khác, và có thể không phải từ Gap. Nhưng quảng cáo này đã nhắc nhở rằng đó là chiếc áo mà cô ấy thích, được bán ở cửa hàng Gap cách nơi làm việc không xa.
Thiết lập danh sách này dễ dàng như việc tạo ra danh mục sản phẩm dựa trên URL. Chỉ cần làm tốt điều này, khách hàng thậm chí sẽ cảm thấy biết ơn bạn.
3. Tiếp thị lại để đánh thức những điều khách hàng bỏ quên
Bạn có biết rằng khả năng chú ý của con người còn kém hơn một chú cá vàng? Dù đúng hay không thì những khách hàng hiện đại ngày nay cực kì dễ bị phân tâm, và điều đó còn tệ hơn khi công nghệ ngày càng phát triển. Thử nghĩ xem mỗi tối bạn tương tác với bao nhiêu thiết bị điện tử? Xem TV khi đang lướt Instagram bằng điện thoại, trong lúc đó tranh thủ check email trên Ipad và đọc báo trên Macbook… thực tế là chúng ta vẫn “đa nhiệm” như thế hàng ngày. Ngay cả khi đang làm việc, với chiếc điện thoại bên cạnh, đồng nghiệp xung quanh, và các thông báo meeting nhảy lên liên hồi, thật khó để tập trung.
Một số nhãn hàng có những cách rất thú vị để Remarketing cho đối tượng này. Một người khách ghé thăm website và cho vào giỏ hàng một đôi giày, nhưng lúc đó đồng nghiệp của anh ta lại nói chuyện về việc đặt bánh pizza và thế là đôi giày kia bị cho vào quên lãng. May mắn thay, nhà quảng cáo đã thiết lập đúng mục tiêu và đúng mặt hàng với một thông điệp rất hấp dẫn: “Bạn ơi, đi mà quên mang giày rồi!” cùng lời nhắc về chính sách miễn phí vận chuyển và đổi trả.
Lời khuyên từ câu chuyện này? Tạo danh sách Remarketing nhắm đến những khách hàng đã “bỏ quên” giỏ hàng bằng những thông điệp hấp dẫn để lôi kéo họ trở lại.
4. Tiếp thị lại để upsell cho những khách hàng tích cực
Phần lớn công việc của một nhà tiếp thị bán lẻ là làm thế nào để khiến khách hàng quay trở lại. Đối với khách hàng cá nhân với giá trị đơn hàng thường ở mức thấp, lợi nhuận không chủ yếu đến từ một lượng lớn khách hàng mới, mà là từ những người mua trước đó và trở thành khách hàng trung thành.
Để thúc đẩy mối quan hệ với khách hàng từ lần mua đầu tiên, hãy sử dụng chiến thuật Remarketing thông minh hơn bằng cách lập danh sách những khách hàng tích cực với các quảng cáo để bán gia tăng (upsell- chiến lược nhằm bán được phiên bản đắt hơn của một sản phẩm mà khách hàng đã có (hoặc đang mua), hoặc thêm các tính năng hay phụ kiện mới vào sản phẩm đó) với những sản phẩm họ quan tâm.
Một khách hàng mua một cây vợt tennis từ cửa hàng thể thao trực tuyến của bạn. Chắc hẳn bạn sẽ không hiển thị cho họ xem quảng cáo một quả bóng đá phải không? Thay vào đó, hãy giới thiệu cho họ những mẫu vợt có nhiều tính năng mới hoặc bộ trang phục đi cùng cây vợt vừa mua của họ.
Nếu một người mua dầu gội của bạn, hãy Remarketing bằng dầu xả. Hãy xác định những sản phẩm bổ sung cho thứ họ vừa mua, như vậy bạn có thể tăng doanh số khả quan từ chỉ một khách hàng.
5. Tiếp thị lại cho khách hàng sau một thời gian nhất định
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bạn nên tiếp thị lại cho khách hàng đã dùng hết sản phẩm hoặc đang có nhu cầu muốn mua thêm.
Giả sử bạn đang bán các sản phẩm dưỡng da. Bạn biết chính xác khi nào thì sản phẩm của mính sẽ hết hạn, đúng chứ? Ngay thời điểm khách hàng sử dụng hết sản phẩm, hoặc đã hết hạn sử dụng, bạn phải nhắc nhở họ mua thêm.
Có thể bạn đang nghĩ rằng khách hàng hoàn toàn có thể tự đi mua thêm mà không cần phải nhờ vào một quảng cáo? Điều đó đúng, nhưng đúng hơn cả: khách hàng có thể sẽ lười biếng. Họ nhìn thấy một quảng cáo giảm giá của một nhãn hàng khác và thay vì mua lại sản phẩm của bạn, họ sẽ mua thứ được quảng cáo kia. Nếu bạn “đón đầu” bằng một quảng cáo thật hấp dẫn, nhiều khả năng họ sẽ trở thành người trung thành với nhãn hiệu của bạn và mua tiếp nhiều lần sau nữa.
Theo business2community
Tags: Khách hàng, Remarketing