8 xu hướng Digital Marketing nổi bật trong năm 2019

Digital marketing chính là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và đạt được mục đích cuối cùng là lợi nhuận.

Sức ảnh hưởng của Marketing trong kinh doanh là không thể phủ nhận. Một chiến dịch tiếp thị và quảng cáo được thực hiện đúng đắn có thể làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ, từ đó tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đòi hỏi chiến lược marketing cần thay đổi để thích nghi. Mặc dù đã phát triển từ những năm 1990, nhưng phải đến bây giờ kỹ thuật số hay còn gọi là “không gian mạng” mới thật sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả mọi thành phần trong xã hội.
 
Theo đó, digital marketing chính là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và đạt được mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Bước sang năm mới, đây cũng chính là thời điểm để chúng ta cùng xem xét và dự đoán những xu hướng digital marketing có khả năng “làm mưa làm gió” trong năm 2019 .
 

1. Facebook có thể đạt đến đỉnh cao

 
Facebook vẫn đang là nền tảng truyền thông xã hội số 1 tại Mỹ với hơn 41% người dùng ở độ tuổi trên 65. Do đó, nếu hoạt động tiếp thị nhắm đến nhóm khách hàng lớn tuổi thì không có một công cụ nào có thể tốt hơn Facebook.
 
Ở một diễn biến khác, sự cố vi phạm dữ liệu gây ảnh hưởng đến 14 triệu người dùng trong năm 2018 khiến Facebook bị sụt giảm đáng kể một lượng lớn người dùng trẻ. Các marketer cần xem xét kỹ lưỡng thị trường mục tiêu trong tương lai vì rất có thể Facebook sẽ không còn phù hợp nếu quảng cáo cho đối tượng trẻ tuổi.
 
Mặc dù thị trường Facebook vẫn vô cùng tiềm năng nhưng tốt hơn hết hãy thận trọng. Hãy đảm bảo rằng đối tượng bạn nhắm đến vẫn đang sử dụng Facebook nếu không bạn đang đi “lệch” quỹ đạo.
 

2. Instagram là “thiên đường” dành cho người trẻ

 
Thật may cho Facebook khi mối lo ngại lớn nhất đã được giải quyết khi quyết định mua lại Instagram. Instagram là kênh truyền thông xã hội giúp người dùng dễ dàng chia sẻ ảnh và video từ điện thoại một cách tối ưu hóa.
 
Hiện tại, Instagram đã vượt qua con số 1 tỷ người dùng, một thành tích cực kỳ ấn tượng. Điều đó cho thấy đây là một trong những kênh truyền thông có tốc độ phát triển nhanh chóng.
 
Instagram có nguồn dân cư mạng trẻ hơn Facebook khi phần lớn người dùng là giới trẻ đặc biệt là nhóm đối tượng dưới 30 tuổi.
 

3. Chatbot sẽ trở nên phổ biến hơn

 
Chatbot là một phần mềm chuyên biệt, hoạt động như một “người trợ giúp” ảo để giao tiếp hỗ trợ hoàn thành mục tiêu của người dùng. Chatbot tương tác với con người một cách tự nhiên, chủ yếu thông qua việc sử dụng các cửa sổ trò chuyện dưới dạng văn bản, tuy nhiên việc tương tác bằng giọng nói vẫn khả thi hơn.
 
Chatbot được sử dụng phổ biến trên Facebook cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ cung cấp báo cáo thời tiết cho đến tự động hóa các chức năng hỗ trợ khách hàng cơ bản. Chatbot cho phép người dùng được cá nhân hóa và tập trung tương tác mà không cần tốn quá nhiều nhân lực.
 
Hiệu quả của chatbot trong năm 2018 đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng người dùng, và dự đoán sẽ trở thành “kẻ thống trị” trên mặt trận digital marketing năm 2019.
 

4. Video vẫn là “vũ khí” lợi hại

 
Theo thống kê, có hơn 73% người dùng ở Mỹ thường xuyên sử dụng Youtube. Điều này có nghĩa hơn một nữa người Mỹ đang xem những video mà phần lớn được tạo ra để phục vụ cho chiến dịch digital marketing.
 
Mặc dù Youtube phổ biến hơn so với Facebook nhưng điều này không có nghĩa bạn có thể bỏ qua việc đăng tải video trên Facebook hay các mạng xã hội khác bởi nó là phương tiện digital marketing vô cùng hữu ích. Dẫu cho người dùng có tạo ra những video trên Instagram, Facebook, Youtube hay các trang web cá nhân đi nữa thì nó vẫn mang đến hiệu quả tiếp thị tích cực.
 
Thông qua video được đầu tư chất lượng, marketer có thể truyền tải thông điệp của thương hiệu đến khách hàng một cách dễ dàng và hiệu quả.
 

5. Live video sẽ là “ngôi sao sáng chói”

 
Live video được ví như “ngôi sao sáng chói” đang nổi lên nhanh chóng và trở thành xu hướng digital marketing hàng đầu. Live video phát triển bắt nguồn từ dịch vụ phát sóng video trực tiếp, phổ biến như Twitch, với chức năng phát trực tiếp các trò chơi điện tử cho người dùng hay các thiết bị điều khiển trò chơi như PS4 của Sony.
 
Phát sóng video trực tiếp hay còn gọi là livestream có tác động tích cực đến chiến dịch digital marketing khi kết hợp với những người có sức ảnh hưởng (Influencer). Với sự góp mặt của những influencer như người nổi tiếng, vận động viên hay ca sĩ thì buổi livestream sẽ trở nên thu hút hơn, theo đó, lượng tương tác trực tiếp qua bình luận sẽ tăng lên đáng kể.
 
Tính tự phát và tương tác của livestream nên được thực hiện một cách kỹ lưỡng, chuyên nghiệp và có kế hoạch cụ thể nhằm tạo ra hiệu quả tiếp thị tích cực.
 

6. Nội dung chất lượng vẫn quan trọng nhất

 
Content marketing vẫn tiếp tục là yếu tố quan trọng trong chiến dịch digital marketing, với sự nhấn mạnh về sắc thái trong nội dung. Thấu hiểu sâu sắc hơn về thị trường mục tiêu để nhắm chính xác đối tượng khách hàng đang là xu hướng mới nổi trong ngành tiếp thị.
 
Theo đó, nội dung cần chọn lọc, kết hợp với các kỹ thuật cải tiến trong việc đo lường hiệu quả nhằm đảm bảo nội dung dễ dàng lan tỏa và có sự kết nối với người đọc.
 

7. Cá nhân hóa email marketing

 
Email là kênh giao tiếp chính bởi hàng tỷ người vẫn đang sử dụng email cho các mục đích cá nhân, thương mại, công nghiệp, pháp lý, khoa học và học thuật. Nói cách khác, email vẫn đang tồn tại và nó tiếp tục là kênh tiếp thị quan trọng.
 
Tuy nhiên, email marketing chung chung với những thông điệp không rõ ràng đã không còn hiệu quả, do đó đòi hỏi email cần có những thay đổi mới mẻ. Hiện nay, tiếp thị bằng email là kết hợp của tự động hóa và cá nhân hóa.
 
Hãy gửi email marketing cho khách hàng khi nắm bắt được thông tin họ đang tìm kiếm một sản phẩm nào đó. Sau đó, tiếp tục gửi các chương trình khuyến mãi hay video demo được cá nhân hóa cho từng đối tượng. Điều này sẽ mang đến những hiệu quả tiếp thị vô cùng khả quan.
 
Email thường được sử dụng như “cú hích” cuối cùng để thúc đẩy hành động, đặc biệt khi được kết hợp chặt chẽ với các kênh digital marketing khác.
 

8. Tương tác bằng giọng nói đang gia tăng
 

Tương tác bằng giọng nói đang phát triển rất nhanh nhờ Siri, Google, Alexa và một loạt các thiết bị “thông minh” khác. Theo đó, người dùng đang có xu hướng sử dụng các “trợ lý” ảo này mỗi ngày để tìm kiếm thông tin hữu ích, mua sắm và khám phá những điều mới mẻ cho mình.
 
Tuy nhiên, điều này mang đến một vài thách thức, ví dụ kết quả tìm kiếm bằng giọng nói rất khác với nhập dữ liệu câu hỏi. Khi một người thực hiện tìm kiếm bằng cách nhập dữ liệu văn bản thì màn hình sẽ cho ra vô số kết quả tại một thời điểm. Thế nhưng, nếu bạn yêu cầu thiết bị thực hiện tìm kiếm thì nó chỉ có thể cung cấp một hoặc một vài câu trả lời nhất định.
 
Chính vì thế, để thích ứng và tận dụng xu hướng tương tác bằng giọng nói đòi hỏi các marketer phải nghĩ đến việc tối ưu hóa nội dung đầu tiên, có như thế mới mang lại hiệu quả tiếp thị cao. 

Theo DNSG

Bài khác

Bài viết mới