Ba điểm nhấn trong tương lai quảng cáo trực tuyến tại châu Á

Công nghiệp quảng cáo trực tuyến ở châu Á không chỉ có Facebook và Google mà tương lai còn nhiều tiềm năng hơn thế.

Tương lai ngành công nghiệp quảng cáo trực tuyến tại châu Á đang có nhiều chuyển động mới mẻ, không chỉ còn là sự phụ thuộc mà mọi người vẫn nghĩ vào các gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) như Google hay Facebook.
 
Có ít nhất 3 điểm nhấn được các chuyên gia, doanh nghiệp đồng thuận trong các thảo luận thuộc khuôn khổ chương trình 'Criteo Exec Connect 2019: APAC' diễn ra gần đây.
 

Thứ nhất, theo ông Kenneth Pao - Giám đốc điều hành Criteo Châu Á - Thái Bình Dương, tương lai của ngành tiếp thị là do khách hàng dẫn dắt


Khác với trước đây, sự chủ động không còn thuộc về các kênh truyền thông. Giờ đây, chính người tiêu dùng mới là đối tượng định hướng thị trường này. Thị trường châu Á cũng sẽ là nơi chiếm một tỷ trọng đáng kể trong thị trường toàn cầu trong thập kỷ tới. Điều này đồng nghĩa, chi tiêu và tầm quan trọng của thị trường này đối với ngành công nghiệp quảng cáo trực tuyến càng cao.
 
"Khách hàng trong tương lai cũng sẽ đến từ Nam Á và Đông Nam Á. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia sẽ là nguồn khách hàng cao cấp đáng chý ý mới từ những năm 2020", ông Simon Baptist - Chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của The Economist Intelligence Unit dự báo nhưng cũng kèm lưu ý bất ổn có thể ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu và tăng trưởng kinh tế.
 
 

Thứ hai, quảng cáo trực tuyến trên Internet mở đang có nhiều cơ hội hơn


Internet mở được hiểu là môi trường Internet bên ngoài các nền tảng Big Tech như của Facebook, Google. Internet mở hiện chỉ chiếm 30% chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số mặc dù chiếm được một nửa số người dùng Internet. Phần lớn chi tiêu còn lại đang chảy vào túi Big Tech.
 
Tuy nhiên, Internet mở đang ngày càng có vai trò lớn ở châu Á. Khảo sát của Criteo cho biết, có đến 80% người được hỏi ở Nhật Bản cho biết có dùng ít nhất một kênh mở. Tỷ lệ này ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và Singapore cũng rất cao, đều trên 70%.
 
Đơn cử, ở Nhật Bản, khi được hỏi kênh kỹ thuật số nào giúp tìm thấy thương hiệu mới, các website là lựa chọn nhiều nhất, đến 69%, hơn cả Youtube (36%). Trong khi, chỉ 17% có chọn Facebook. Ở Hàn Quốc, việc tìm thấy thương hiệu mới trên website, blog và email lần lượt nhận được 47%, 42% và 28% đồng thuận. Trong khi, Facebook và Twitter nhận được 37% và 16% đồng thuận.
 
"Chúng tôi tin rằng sự đa dạng và đổi mới được phát triển từ sự cạnh tranh. Chúng ta không cần Internet nơi mỗi ngành kinh doanh được kiểm soát bởi một nhà điều hành thương mại điện tử hoặc bởi một nhà tìm kiếm, truyền thông xã hội. Nhưng thay vào đó, chúng ta cần một mạng Internet mở, nơi tất cả đối tượng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào và có thể gia tăng phạm vi và sự đa dạng của hệ sinh thái kỹ thuật số", chuyên gia Criteo nói nhưng cũng khẳng định quan hệ hợp tác với các Big Tech là rất hiệu quả và cần thiết.
 

Thứ ba, quảng cáo trên di động đang trở thành tâm điểm của quảng cáo trực tuyến


"Với việc chuyển đổi từ thương mại điện tử sang thương mại di động, cách thức mua sắm của người tiêu dùng cũng không ngừng phát triển. Do đó, cách các thương hiệu tiếp cận mua sắm cũng nên cải tiến để theo kịp người mua", ông Jeneth Pao khuyến nghị.
 

Thương mại điện tử ở châu Á đang chuyển dần sang thương mại di động.
 
Tuy nhiên, tiếp cận xu hướng di động cũng không dễ dàng. Doanh nghiệp xây dựng một ứng dụng và để người dùng cài đặt chỉ là bước đầu tiên. Theo kết quả tìm hiểu về truy cập ứng dụng của Criteo, 32% người dùng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương không dùng ứng dụng sau lần đầu tiên. 67% chỉ sử dụng ứng dụng 5 lần hoặc ít hơn trước khi không dùng nó nữa.
 
"Các ứng dụng hiện nay rất quan trọng trong việc tạo và thu hút khách hàng trung thành, nhờ sự tiện lợi mà nó mang lại khi dân số ngày càng dùng di động", ông Theodoric Leung, Giám đốc Mobile - AMER & APAC của Criteo nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng nhưng cũng lưu ý các nhà tiếp thị cần có giải pháp hiệu quả để đạt được số lượt cài đặt, lưu lượng truy cập và doanh số cao hơn.
 
Hiện tại, mức độ tiếp cận di động tại châu Á đang đi đầu thế giới, với 75% lượng truy cập Internet là qua di động. Trong khi đó, tỷ lệ này ở khu vực EMEA (khu vực gồm châu Âu, Trung Quốc, châu Phi) là 64% còn châu Mỹ là 55%.
 
Simon Baptist nói rằng: "Nhắm đến khách hàng mục tiêu thông qua di động là một chiến lược tốt. Tuy nhiên, nhà bán lẻ sẽ còn đối diện với niềm tin thấp về bảo mật trực tuyến và ứng dụng di động. Đồng thời, có sự không chắc chắn liệu hành vi của khách hàng trực tuyến sẽ phát triển ra sao tại các thị trường chưa trưởng thành".
 
Lưu lượng Internet và di động gia tăng đang tạo ra các cơ hội mới, tăng cường hạ tầng kỹ thuật số đưa thương mại điện tử tiến xa. Tuy nhiên, xu hướng sẽ khác nhau ở từng nước châu Á - Thái Bình Dương, vì nó phụ thuộc và những thách thức về hạ tầng và luật pháp sở tại. Cùng với đó, chiến lược di động cũng không phải là con đường chỉ màu hồng.

Theo Brand

Bài khác

Bài viết mới