Brandless, siêu thị trực tuyến đồng giá 3 USD
Chưa bao giờ sự xuất hiện của một thương hiệu hàng tiêu dùng đóng gói lại trở nên dễ dàng và ít tốn chi phí như hiện nay nhờ vào những kênh phân phối mới như Facebook, Instagram và YouTube.
Brandless là ý tưởng của hai nhà khởi nghiệp hàng loạt Tina Sharkey và Ido Leffler. Brandless hy vọng tận dụng môi trường mới này và thay đổi cách thức mà người tiêu dùng đang mua những thứ thiết yếu hằng ngày. Đó là một mô hình kinh doanh mang sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng với mức giá 3 USD cho mọi sản phẩm.
Trong ba năm qua, Sharkey và Leffler đã xây dựng tập hợp sản phẩm gồm nhiều chủng loại như thực phẩm không dễ hỏng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa, hàng tiêu dùng cá nhân và đồ dùng văn phòng.
Chẳng hạn, trong mảng thực phẩm, siêu thị này bán mọi thứ từ đồ hộp, nước xốt cho tới đồ ăn vặt, kẹo và cà phê, tất cả đều có giá 3 USD mỗi món. Đồ dùng trong nhà thì có đồ mở chai, dao, muỗng… nước rửa đa năng. Trong mảng làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, Brandless bán từ kem đánh răng cho tới kem dưỡng thể. Và họ chỉ bán hàng qua kênh trực tuyến.
Bằng cách bỏ đi cái mà họ gọi là “thuế thương hiệu” – hay tất cả chi phí liên quan đến mô hình phân phối hàng tiêu dùng đóng gói theo cách truyền thống – và đưa sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng, Brandless có thể cung cấp hàng hóa với giá trung bình rẻ hơn 40% so với các sản phẩm tương đương trên thị trường.
Để làm được điều này, đội ngũ phát triển sản phẩm của Brandless đã giới hạn số lượng sản phẩm của họ trong vòng vài trăm loại thiết yếu nhất so với hàng chục ngàn loại của siêu thị Target. Họ không cung cấp hàng chục loại hàng khác nhau cho cùng một sản phẩm, nhưng không có nghĩa là chủng loại hàng của họ không được đầy đủ. Một khác biệt quan trọng nữa là cách đóng gói của Brandless, họ tìm cách nhấn mạnh những chi tiết quan trọng của mỗi sản phẩm. Điều đó có nghĩa là bao bì chỉ rõ loại nào là không biến đổi gien, là hữu cơ, không gluten hoặc không chất tạo mùi nhân tạo.
Cắt bỏ chi phí phân phối, trung gian và các chi phí liên quan khác là cách thức chính giúp họ bán sản phẩm với giá rẻ. Quy trình này cũng tạo nên mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng mà nhiều thương hiệu không thực sự có được. “Nếu bạn nghĩ đến cách thức mà sản phẩm được phân phối ngày nay thì khách hàng của họ là các cửa hàng, chứ không phải là người dùng cuối cùng”, nhà sáng lập Tina Sharkey nói.
Hàng tỉ USD đổ vào cho những công ty như Dollar Shave Club và Jet.com cho thấy rằng nhà đầu tư đang hậu thuẫn các thương hiệu thương mại điện tử mới. Brandless đã nhận được hơn 50 triệu USD sau ba vòng gọi vốn trước khi ra mắt trên thị trường.
doanhnhancuoituan.com.vn