Chợ đồ cũ Fastsell tìm lối đi riêng

Trong sân chơi thương mại điện tử vốn đã quá chật chội, Fastsell – một sàn giao dịch đồ cũ C2C (khách hàng với khách hàng) non trẻ ra đời chỉ vừa tròn một năm – đã tìm cho mình một chiến lược phát triển…

 
Trong sân chơi thương mại điện tử vốn đã quá chật chội, Fastsell – một sàn giao dịch đồ cũ C2C (khách hàng với khách hàng) non trẻ ra đời chỉ vừa tròn một năm – đã tìm cho mình một chiến lược phát triển dựa trên ý tưởng về chia sẻ nguồn lực.
 
Theo thông tin từ hãng nghiên cứu Nielsel, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đã đạt quy mô 4 tỷ đô la Mỹ trong năm 2016. Với dân số hơn 90 triệu người và một nửa trong số đó đã tiếp cận internet, Việt Nam sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ để TMĐT phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm dự báo hơn 20%.
 
Tiềm năng là vậy, nhưng muốn chen chân khai thác “mảnh đất” này thì lại không hề dễ dàng. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, TMĐT tại Việt Nam đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh “kẻ đến, người đi”. Nhiều thương hiệu dù khi mới xuất hiện được đánh giá là tiềm năng, lại có thêm sự chống lưng về tài chính của nhà đầu tư, nhưng cũng đành chào thua sau một thời gian cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Những cái tên đình đám một thời như Foodpanda, Beyeu.com, Deca.vn…đều lần lượt từ bỏ cuộc chơi.
 
Vào tháng 6/2016, một ứng dụng với tên gọi Fastsell cũng đặt chân vào sân chơi khốc liệt của TMĐT Việt Nam. Đúng như tên gọi của nó, Fastsell hướng tới sự nhanh chóng trong giao dịch đồ cũ giữa các khách hàng ở thị trường C2C. Chỉ cần hai bước tải về và xác thực số điện thoại là người dùng đã trở thành một thành viên của “chợ” mobile này. Với người muốn bán hàng, họ sẽ chụp ảnh đồ vật và đăng lên Fastsell. Ngay lập tức những khách hàng tiềm năng có quan tâm đến chủng loại của món đồ kia và ở gần vị trí của người bán sẽ nhận được thông báo. Nhu cầu mua bán của các bên được Fastsell kết nối thông qua sự gần gũi về địa lý và sở thích của từng đối tượng. Hai bên sau đó sẽ tự thỏa thuận giá và cách vận chuyển. Giao dịch hoàn thành mà cả người mua và người bán đều không hề tốn một đồng phí cho Fastsell. Nguyễn Hoàng Anh – nhà sáng lập và hiện là CEO của Fastsell – nhận định rằng: “Nếu như các diễn đàn mua bán đồ cũ đòi hỏi nhiều bước như sử dụng máy tính, đăng nhập, chụp ảnh, viết mô tả, theo dõi bài đăng để bán một món đồ, thì Fastsell mang đến trải nghiệm khác hoàn toàn, thao tác của người dùng trong việc bán một món đồ đã được tối giản. Nếu như bán đồ cũ qua Facebook có thể gây phiền hà và rắc rối do lộ thông tin cá nhân thì Fastsell là một nơi riêng tư hơn và an toàn hơn để giao dịch”.
Trong quá trình nghiên cứu thị trường Hoàng Anh đã nhận ra hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, đó là TMĐT C2C tại Việt Nam dù có không nhiều cái tên lớn, nổi bật nhất là Chợ Tốt và Shopee, nhưng nếu muốn giành thị phần, Fastsell sẽ tốn rất nhiều tiền cho các hoạt động truyền thông và marketing. Đây là một cuộc đua đường dài và đòi hỏi phải trường vốn, nhưng phần thắng thì không chắc đã trong tầm tay. Vấn đề thứ hai đó là nhu cầu mua bán đồ đã qua sử dụng không chỉ lớn tại Việt Nam mà còn ở các nước khác trong khu vực. Một thách thức và một cơ hội, Hoàng Anh muốn tìm ra lời giải cho cả hai vấn đề này.
 
“Chúng tôi là start-up nhưng cách làm như một doanh nghiệp trưởng thành” – Nguyễn Hoàng Anh, CEO Fastsell
 
“Tôi hiểu câu chuyện Go Global (vươn ra thế giới), vì vậy tôi sẽ bước đi khác với tất cả các start-up trước đó”, Hoàng Anh trao đổi với Doanh Nhân. Khi bắt đầu được giới thiệu vào tháng 6/2016, Fastsell triển khai song song trên hai thị trường: Việt Nam và Myanmar. Nhưng với một start-up mới chỉ “chân ướt chân ráo” gia nhập cuộc chơi như Fastsell, làm sao có thể thu hút người dùng và giành thị phần ở cả Việt Nam và Myanmar?
 
“Chiến lược cốt lõi của tôi là tận dụng chia sẻ nguồn lực. Fastsell tìm các đối tác kinh doanh tại từng thị trường. Chúng tôi đầu tư vào con người, đầu tư vào công nghệ, sao cho giải pháp của chúng tôi là tốt nhất và luôn được nâng cấp. Công nghệ đó sẽ được chúng tôi chia sẻ với đối tác. Họ có lợi thế về kinh doanh, họ đã có sẵn khách hàng, nên chi phí marketing và truyền thông của họ sẽ rẻ hơn. Cả hai bên cũng chia sẻ những lợi thế của mình, đồng thời chia sẻ lợi ích. Đó là một cuộc chơi cả hai cùng thắng”, Hoàng Anh cho hay.
 
Để chiến lược này thành công, phần lựa chọn đối tác là rất quan trọng. Fastsell dựa trên 3 tiêu chí để tìm ra đối tác phù hợp. Thứ nhất, đó phải là một thương hiệu có độ phủ rộng, nắm trong tay tệp người dùng lớn vì “nếu thiếu điều này, thì chẳng khác gì là Fastsell tự làm”. Thứ hai, đối tác phải có danh tiếng tốt ở thị trưởng sở tại, vì TMĐT rất cần uy tín. Nếu thương hiệu có được sự tin tưởng tại địa phương thì tăng trưởng cũng sẽ dễ dàng hơn. Thứ ba, đó là uy tín trong hợp tác của chính đối tác, để cả hai bên cùng sẵn sàng chia sẻ với nhau. “Khi mới gặp họ cũng đặt câu hỏi là tại sao lại phải hợp tác với start-up nhỏ như thế này. Trước khi bắt đầu làm Fastsell, tôi từng có 14 năm kinh nghiệm làm cho Oracle, VIB và FPT, qua đó, bản đề xuất của chúng tôi chuẩn bị rất kĩ càng trên dữ liệu thị trường, lộ trình phát triển sản phẩm, đội ngũ chuyên nghiệp và sáng tạo. Chúng tôi là start-up, nhưng cách làm như một doanh nghiệp trưởng thành”, Hoàng Anh chia sẻ.
 
Tại Myanmar, đối tác được Fastsell lựa chọn chính là MySquar – mạng xã hội lớn nhất tại quốc gia này với hơn 6 triệu người dùng. “Việc giới thiệu Fastsell là một sự cải tiến không chỉ cho MySquar mà còn cho cả Myanmar, khi việc tiếp cận hàng hóa trên toàn quốc và phương thức giao dịch nhanh chóng, đơn giản sẽ trở thành hiện thực”, Eric Schaer – CEO của MySquar – cho hay. Tại Việt Nam, vào tháng 9/2016, tức chỉ 3 tháng sau khi ra mắt, Fastsell đã sáp nhập với canbannhanh.com – một trang TMĐT có gần 300.000 thành viên. Đây là một trong những bước đi đầu tiên để tăng số lượng người dùng mà không cần thông qua các biện pháp truyền thông. CEO Hoàng Anh cho biết hiện đang tìm thêm các đối tác mới ở Việt Nam để cùng khai thác thị trường này.
 
Sau một năm ra đời, Fastsell đã đạt mốc 150.000 lượt cài đặt, trong đó 25% là người dùng thường xuyên. Số lượt cài đặt mới của ứng dụng này cũng lên tới 10%/tháng. Đây là những con số rất ấn tượng nếu biết rằng, cho đến nay Fastsell “chưa hề tiêu một đồng nào cho quảng cáo”. “Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2018 Fastsell sẽ hiện diện ở cả thị trường Lào và Campuchia, nó sẽ trở thành nền tảng TMĐT C2C số 1 tại khu vực Đông Dương”, Hoàng Anh tự tin cho hay.

doanhnhanonline.com.vn

Bài khác

Bài viết mới