Facebook, Twitter và Apple và cuộc đua truyền hình
Khi người ta không còn dùng TV để xem truyền hình nữa, cuộc đua của ngành này sẽ chuyển sang một chiến trường khác: Màn hình điện thoại.
Ngày 28/8, tập cuối trong mùa 7 của series phim dài tập đắt giá nhất thế giới “Game of Thrones” đã ra mắt 10 triệu khán giả tại Mỹ và hàng chục triệu người xem khác trên toàn thế giới. Khi xem xong tập phim này, khán giả có thể chuyển qua xem show có thể được xem là ít kinh phí nhất, “Talk the Thrones”, để nghe “chém gió” về mọi khía cạnh của siêu phẩm này. Tuy chỉ là một talkshow, nhưng "Talk the Thrones" cũng thu hút được hàng trăm ngàn lượt người xem.
Bên cạnh sự chênh lệch một trời một vực về kinh phí (một có những con rồng được dựng bằng kỹ xảo hiện đại, một chỉ bao gồm nhiều khách mời ngồi bàn luận) vẫn có nhiều khác biệt giữa 2 series này. Người ta chỉ có thể xem được Game of Thrones trên các kênh truyền hình trả tiền như HBO, trong khi Talk the Thrones được chiếu miễn phí trên Twitter - do trang The Ringer sản xuất và được tài trợ bởi gã khổng lồ viễn thông Verizon. Mặc dù serie phim "Games of Thrones" nổi tiếng hơn rất nhiều, nhưng Talk the Thrones mới thực sự cho thấy một hình thái tiến hóa mới của ngành công nghiệp truyền hình.
Một thế hệ show truyền hình mới đang dần được hình thành. Ở đây, tất cả đều được tùy biến để phù hợp với smartphone, máy tính bảng, hay bất cứ loại màn hình nào có kết nối internet. Netflix và Amazon đã tham gia vào ngành này được một thời gian. Và giờ đây, đến lượt các hãng công nghệ khác theo chân, giúp tung ra nhiều series mới và thử nghiệm thêm nhiều định dạng khác.
Vào đầu tháng 8, Facebook đã giới thiệu tính năng xem truyền hình đến một số ít người dùng thông qua mục “Watch”, và chức năng này sẽ sớm được phổ biến rộng rãi. Facebook đã bắt đầu tạo ra những thứ đáng xem trên nền tảng của mình, bắt đầu từ việc livestream những sự kiện thể thao lớn, bao gồm giải bóng chày Major League Baseball hay giải bóng đá Mexico. Twitter đã tương đối nhanh chân hơn Facebook khi công bố nhiều thỏa thuận hợp tác livestream với các đối tác lớn, bao gồm nhiều chương trình thể thao, phát sóng liên tục 24 giờ các nội dung của Bloomberg, show buổi sáng của BuzzFeed, hay show giải trí #WhatsHappening của Propagate. Snapchat cũng bắt tay tạo ra giá trị gia tăng cho lớp người dùng trẻ của mình bằng một số show ngắn có thể xem trực tiếp ngay trong ứng dụng nhắn tin này.
Các thiết bị di động đang ngày càng lấn sân TV và màn hình desktop trên sân chơi video. Ảnh: ericsson.com
Khá nhiều series mới hiện nay được sản xuất với kinh phí chỉ vài ngàn USD, rất khiêm tốn so với “núi tiền” lên đến 20 triệu USD mà HBO bỏ ra cho mỗi tập phim Game of Thrones. Nhưng một khi đã nhận thấy tiềm năng, chắc chắn sẽ có những series kinh phí cao hơn xuất hiện nhằm thu hút người xem.
Apple cũng vừa tuyển dụng 2 nhân sự cao cấp từ studio sản xuất chương trình truyền hình của Sony, mà theo nhiều nguồn tin, nhiệm vụ chính của họ là “xài cho hết” khoản tiền lên tới 1 tỉ USD để cho ra đời các loại nội dung mới. Facebook cũng tuyên bố có thể bỏ ra 100.000 USD cho mỗi phút nội dung độc quyền, và đang tìm kiếm các đối tác ở Hollywood cho kế hoạch này.
Nói về việc xài tiền thì YouTube đã làm điều này từ lâu, chi ra khá nhiều tiền để sản xuất show có sự góp mặt của các ngôi sao mạng xã hội, và nay họ còn muốn chi nhiều hơn nữa để sản xuất các series có nội dung truyền thống hơn. Trong khi đó, Jeffrey Katzenberg, cựu lãnh đạo của Disney và đồng sáng lập hãng DreamWorks Animation, cũng đang tìm kiếm nguồn kinh phí 2 tỉ USD để sản xuất những show chất lượng cao với thời lượng kéo dài chỉ vài phút. Hãy tưởng tượng các chương trình giống như của Netflix, nhưng thay vì một tập phim 50 phút, thì các show này có thời lượng rất ngắn, phù hợp hơn cho các nền tảng xem video trực tuyến trên mạng xã hội.
Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn để khẳng định chiến lược này sẽ thành công. Trong tổng số thời lượng sử dụng smartphone, người ta vẫn dành khá ít thời gian để xem video. Theo báo cáo của Nielsen, người Mỹ bỏ ra trung bình 47 phút mỗi tuần để xem video trên thiết bị di động; còn ở độ tuổi trẻ hơn (18 - 24 tuổi) thì thời lượng xem trung bình là 83 phút mỗi tuần. Trong quá khứ, đã có khá nhiều thất bại của các đại gia khi cố gắng “thò tay” vào ngành này. Verizon là một ví dụ, khi ứng dụng xem video “go9o” được tung ra 2 năm trước thất bại trong việc thu hút người dùng. Tuy nhiên, với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Snapchat thì mọi chuyện lại khác, bởi mục đích chính của những hãng này là níu chân người dùng sử dụng nền tảng của mình càng lâu càng tốt. Với mục đích rõ ràng như thế, thì nội dung video chính là thứ công cụ phù hợp nhất.
Theo Ben Silverman - cựu đồng chủ tịch của NBC Entertainment, hiện đang điều hành hãng sản xuất Propagate - sự gia tăng đầu tư này sẽ buộc ngành công nghiệp truyền hình thay đổi nhanh chóng để thích ứng nhanh hơn. Truyền hình kiểu cũ cũng sẽ ngày càng dễ bị ảnh hưởng hơn. Thời lượng mà người Mỹ tuổi từ 18-24 bỏ ra để xem truyền hình trả tiền đã sụt giảm gần một nửa trong 10 năm trở lại đây. Rất nhiều người xem đang chuyển sang Netflix. Công ty này cũng vừa chiêu mộ được Shonda Rhimes, một nhà sản xuất truyền hình nổi tiếng của kênh ABC.
Không chỉ có các hãng truyền hình và các dịch vụ video theo yêu cầu (VOD), các công ty công nghệ khác với lượng người dùng khổng lồ như Facebook, Google, Twitter hay Snapchat đều có cơ hội lớn khi tích hợp truyền hình vào các ứng dụng của họ. Cạnh tranh trong kinh doanh truyền hình diễn ra dữ dội và sẽ còn dữ hội hơn nữa. Một cuộc chiến khốc liệt sẽ diễn ra nhằm đánh chiếm thời gian và sự chú ý trên màn hình điện thoại.
NCDT
Tags: apple , twitter , facebook , netflix , vod , google , youtube , amazon , livestream , game of thrones