Lazada, Thegioididong và Sendo dẫn đầu thương mại điện tử tại Việt Nam
Bản đồ so sánh 50 doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam lần đầu tiên do iPrice thực hiện cho thấy top 3 website có lượng truy cập cao nhất tại Việt Nam là Lazada, Thegioididong và Sendo. Cả ba đều được hậu thuẫn bởi các công ty lớn hậu thuẫn: Lazada đã được Alibaba mua lại, Thế Giới Di Động có hệ thống bán lẻ rộng khắp và Sendo là một thành viên của tập đoàn FPT.
Trong top 10 doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất, có 8 là doanh nghiệp nội địa gồm Thế Giới Di Động, Sendo, Tiki, Vật Giá, FPTShop, Điện Máy Xanh, Adayroi, Nguyễn Kim và 2 doanh nghiệp nước ngoài là Lazada và Shopee. Lazada là ứng dụng có nhiều lượt tải nhất trên di động, với 50 triệu lượt (tính tất cả các quốc gia mà Lazada vận hành) nhưng riêng tại Việt Nam thì Thế Giới Di Động đứng đầu bảng với 5 triệu lượt, gấp 5 lần con số của Sendo, Lozi và Shopee.
Top 3 có nhiều người theo dõi trên Facebook nhất là Lazada, Thế Giới Di Động và Shopee. Những doanh nghiệp có lượng người theo dõi trên Facebook cao nhất cũng là những doanh nghiệp có lượng truy cập cao nhất, cho thấy sự kết nối giữa mạng xã hội này và lượt truy cập website.
Ở kênh Youtube, top 3 thuộc về CellphoneS, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh với các clip review giới thiệu sản phẩm công nghệ thu hút được lượt view cực lớn từ người tiêu dùng Việt. Lazada chỉ xếp thứ 9 trong bảng này. Các doanh nghiệp có kênh Youtube hiệu quả nhất đều là các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ.Trước đó, video quảng cáo của Điện Máy Xanh cũng lọt top được xem nhiều nhất tại châu Á do Campaign Asia bầu chọn.
Instagram được cho là sân chơi của các doanh nghiệp thời trang, tuy nhiên Lozi - ứng dụng đăng bán trở thành doanh nghiệp có nhiều lượt theo dõi nhất với 220.000 lượt. Ưng dụng mua và bán trên di động Shoppee có lượt theo dõi phổ biến thứ 2 với 46.000 lượt và thương hiệu thời trang Robins của Central Group đứng thứ 3 với 39.000 lượt.
iPrice là cổng thương mại điện tử tại 7 thị trường Đông Nam Á, đây là nghiên cứu dạng tương tác (interactive) đầu tiên về thương mại điện tử Việt Nam, dựa theo các tiêu chí: lượng truy cập, lượt tải ứng dụng và số người theo dõi trên mạng xã hội. Với tốc độ tăng trưởng 22%/năm thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang hấp dẫn nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên cạnh tranh vô cùng khốc liệt với sự tham gia của nhiều đại gia lớn trong ngành bán lẻ.
Doanhnhansaigon