Marketing thử nghiệm: Một chiến thuật hay

Doanh nghiệp bạn đang đi tìm một phương pháp tốt nhất để tăng doanh số bán sản phẩm của mình? Theo Kim Gordon, một chuyên gia về marketing của tờ Entrepreneur, các doanh nghiệp có thể áp dụng chiến thuật Marketing mới đã chứng minh có thể tạo ra sự ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định mua sắm của khách hàng, đó là Marketing thử nghiệm (Experiential Marketing)…

Marketing thử nghiệm được hiểu là việc sử dụng các sự kiện để tạo điều kiện cho khách hàng có dịp tiếp xúc với sản phẩm và đem đến cho họ những sự trải nghiệm đáng nhớ về sản phẩm.
 
Tại sao Marketing thử nghiệm lại đang trở thành một chiến lược tiếp thị phổ biến? Câu hỏi đặt ra là vào thời điểm nào có thể gây ra sự chú ý nhiều nhất cho khách hàng khi họ quyết định mua một sản phẩm: khi họ đọc những thông tin về sản phẩm từ một mẫu quảng cáo hay khi họ dùng thử sản phẩm lần đầu tiên? Các nghiên cứu cho thấy, sự trải nghiệm các nhân của đa số khách hàng sẽ hình thành nên những quan niệm và thiên hướng mua sắm mạnh mẽ hơn so với các thông tin mà họ có được từ quảng cáo, hay thậm chí qua truyền miệng từ những người bạn hay đồng nghiệp. Theo kết quả của một cuộc khảo sát về marketing thử nghiệm do Jack Morton thực hiện vào năm 2005, gần 75% số khách hàng tham gia khảo sát cho biết việc có được một sự trải nghiệm thật về việc sử dụng sản phẩm sẽ làm tăng khả năng “xem xét mua hàng” của họ, trong khi 60% cho biết marketing thử nghiệm sẽ khiến họ mua hàng nhanh hơn.
 
Tác dụng của marketing thử nghiệm cũng thay đổi theo nhóm khách hàng. Gần 80% khách hàng ‘teen” (độ tuổi 13-19) tham gia cuộc khảo sát của Jack Morton cho biết marketing thử nghiệm sẽ thúc đẩy việc họ xem xét mua hàng, trong khi 60% khách hàng nữ cho biết marketing thử nghiệm sẽ có khả năng khiến họ mua hàng cao hơn so với quảng cáo trên truyền hình hay trên internet.
 
Có rất nhiều địa điểm thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các sự kiện marketing thử nghiệm như siêu thị, các cuộc hội chợ, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, góc phố… Nhưng điều quan trọng là địa điểm phải phù hợp với chủ đề của sự kiện và tạo điều kiện tối đa cho khách hàng có dịp tương tác với sản phẩm.
 
Khi nào là dịp tốt để thực hiện các sự kiện marketing thử nghiệm? Doanh nghiệp nên chọn bốn dịp dưới đây.
 

Những sự kiện tạo ra việc bán hàng tức thời.

 
Thực tế cho thấy,  những sự kiện có gắn liền với các hoạt động giải trí luôn là một dịp tốt để khách hàng dùng thử một sản phẩm nào đó và quyết định mua tức thời. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm đến khách hàng thông qua những buổi tiệc gia đình của họ (bằng cách tặng quà dùng thử). Trong cuộc khảo sát của Jack Morton, gần 85% số khách hàng nữ cho biết sẽ mời các thành viên trong gia đình hay bạn bè đến dự một sự kiện marketing thử nghiệm, 75% thì cho biết sẽ báo cho những người khác về sự kiện đó. Cho khách hàng dùng thử sản phẩm ở các sự kiện có ưu điểm so với việc phát hành dùng thử miễn phí là nó sẽ đưa khách hàng vào thế chủ động, tạo ra sự hưng phấn và vui vẻ khiến họ dễ dàng quyết định mua hàng.
 

Giới thiệu một sản phẩm mới ra thị trường.

 
Giới thiệu một sản phẩm mới ra thị trường theo kiểu “dội bom” có thể rất tốn kém. Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ có ngân sách tiếp thị hạn hẹp, giới thiệu sản phẩm đến đúng đối tượng khách hàng lại được xem là một giải pháp tiết kiệm. Có thể làm điều này bằng cách tổ chức một buổi tiệc ở một nhà hàng hay một cửa hàng và mời những khách hàng tiềm năng nhất. Có thể mời một số nhà báo đến chứng kiến và đưa tin về sự kiện. Nếu một buổi tiệc như vậy vẫn chưa có tác dụng, doanh nghiệp có thể tổ chức giới thiệu sản phẩm trên đường phố, trong một hội chợ để thu hút các nhóm khách hàng mục tiêu. Nên nhớ rằng, địa điểm tổ chức giới thiệu sản phẩm mới phải phù hợp với các nhóm khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp, xét về độ tuổi, giới tính, thành phần kinh tế…….
 

Tham gia những cuộc “tranh tài”.

 
Có một số sản phẩm phải qua sự trải nghiệm lần đầu của khách hàng trong bối cảnh “tranh tài” với các sản phẩm cùng loại thì mới chứng minh được khả năng thâm nhập và tồn tại lâu dài của chúng trên thị trường. Chẳng hạn, một doanh nghiệp bán đồ chơi có hẳn một phòng trưng bày riêng nhưng sản phẩm vẫn bán không chạy. Chỉ đến khi tham gia một cuộc hội trợ triển lãm dành cho các nhà sản xuất đồ chơi thì sản phẩm của doanh nghiệp mới được nhiều người mua hơn. Lý do là trước đây, sản phẩm này không có dịp “tranh tài” với các sản phẩm khác. Trẻ em khi đến phòng trưng bày của doanh nghiệp có thể thử nghiệm sản phẩm của doanh nghiệp nhưng không so sánh được với sản phẩm khác nên cảm nhận của chúng về sản phẩm chưa thật sự đầy đủ.

Tổng hợp

Bài khác

Bài viết mới