Nhóc Maruko và câu chuyện về nền tảng
Có một thời, cùng với nỗi mong ngóng Doraemon hằng tuần là niềm háo hức không kém cạnh, dành cho cô nhóc Maruko. Nhắc đến Maruko thì mình nhớ ngay cái mái tóc răng cưa, "hàng hiệu" Maruko đấy.
Không chỉ mái tóc xô lệch răng cưa, nhóc Maruko còn có vài "điểm độc lạ" khác như đôi mắt úp lưng hình số 6, khuôn mặt bầu tròn, gò má hồng đào, và những chuyện "drama" tếu táo. Nét "độc lạ" từ ngoại hình, tính cách đến nội dung này từ đâu mà ra, nếu thiếu đi một khái niệm gọi là nền tảng.
Ngố là cơ sở nền tảng xây dựng nên "thương hiệu" nhóc Maruko, nay đã thành biểu tượng, thành niềm yêu mến vô bờ bến.
- Ngố thì có gì là mới lạ?! Thiên hạ ngố đầy ra đó.
- Con ngoan trò giỏi thì đưa lên sách làm gương, đằng này trẻ con ngố chứ có thì có gì là hay ho mà phải nói đến.
- Có mẹ nào quan tâm đến quyển sách xoay quanh một nhân vật ngố bao giờ.
- ...
(những) tiếng nói trái chiều là điều không thể thiếu để một yếu tố nào đó mà mình đặt niềm tin trở nên bền vững và có giá trị.
Nỗi sợ hãi "bài bản" của những người quản lý thương hiệu nằm ở việc mình đang cố công xây dựng một thương hiệu mà người ta cho rằng nó: không khác biệt.
Thực tế là tất cả mọi thứ đều giống và khác nhau ở một chiều kích / cách nhìn nào đó. Điều quan trọng là người làm quản lý thương hiệu đọc ra được sự khác biệt nó nằm ở chiều kích tương quan nào để từ đó khởi sự con đường xây dựng thương hiệu.
Quay về với nhóc Maruko, Ngố không phải là cái gì "quào... sáng tạo quá, chưa từng thấy". Nhưng, không phải vì vậy mà người ta bỏ qua nó, rồi đi tìm kiếm một cái-gì-đó mà ngay cả bản thân họ cũng không biết rõ nó là cái-gì.
Ngố không phải là cái gì mới lạ, độc đáo. Nhưng, giữa khung trời tuổi thơ, nơi mà bố mẹ nào cũng muốn các bé gái phải hiền lành, dễ thương, lễ phép như cô bé Xuka; các cậu bé phải học giỏi, ngoan ngoãn, chỉn chu như cậu nhóc Deki thì một nhân vật Ngố đầy cả tin, ham ăn và ghét đi học như nhóc Maruko ắt sẽ trở thành độc lạ, chưa từng thấy.
Trong chiều kích quan niệm đó, nền tảng Ngố của cô nhóc Maruko là một nền tảng có tính khác biệt.
Ngoài chiều kích tạo nên sự khác biệt, nền tảng Ngố còn có ý nghĩa tương quan tích cực với đa số những em nhỏ ở sự đồng cảm, chia sẻ. Tâm lý bọn trẻ rất sợ bị lạc loài và sợ bị liệt kê vào hàng... cá biệt. Học sinh cá biệt, đứa con cá biệt, đứa bạn cá biệt... là những "label" tuổi thơ đáng sợ. Và, bọn trẻ tìm thấy từ nhóc Maruko nỗi trấn an to lớn; bởi sau tất trong tất cả những "tai hoạ", những tội vạ,... mà mình gây ra, nhóc Maruko vẫn hồn nhiên, yên ổn.
Khi người làm quản lý thương hiệu càng nói nhiều về Brand mà thiếu tư duy về nền tảng thương hiệu, người ta chỉ thấy ở họ sự bối rối và lạc lối.
Thế giới chỉ cần mọi thứ đơn giản thôi, đừng "thách thức" nhau quá với cả một hệ phức hợp giá trị này, điểm độc đáo kia.
Là một người làm công việc Brand Management, thế giới chỉ cần bạn hiểu / biết mình đang xây dựng thương hiệu dựa trên nền tảng nào: Sống, Trẻ, Tự Do, Tự Tin, Tự Lập, Xa hoa, Bình Dân, Sáng Tạo, Tăm Tối, Nỗi Sợ,... (thế giới vốn có đầy/đủ những thứ nền tảng) việc của bạn là mạnh dạn/cả gan chọn lấy một thứ để mình đặt niềm tin vào để đi tới sự khác biệt.
Khi người làm quản lý thương hiệu càng nói nhiều về Brand, càng blah blah blah này kia mà thiếu tư duy về nền tảng thương hiệu, người ta chỉ thấy ở họ sự bối rối và lạc lối.
Trước lúc phải đi đến những ý tưởng truyền thông, những chương trình quảng bá thương hiệu, những hoạt động kích hoạt/khuyến mại tăng sales,... tôi thường cố níu kéo khách hàng của mình quay về khái niệm nền tảng. Mọi thứ sẽ ổn và bền vững theo thời gian một khi chúng ta bắt đầu từ những thứ mang tính nền tảng như cách nhà văn / nhà thơ sở hữu mảnh đất chữ nghĩa bất tận từ nền tảng A,B,C; như cách người kiến trúc sư sở hữu những công trình kiệt tác từ nền tảng tròn / vuông / cong / thẳng; như cách nhà soạn nhạc sở hữu những pho nhạc trứ danh từ nền tảng nốt nhạc đồ, rê, mi,...
brandsvietnam.com