Sức mạnh chuỗi cung ứng của Toyota
Phụ kiện phức tạp, xu hướng thay đổi liên tục và nhu cầu cá nhân hóa cao khiến ô tô trở thành một trong những ngành phải đầu tư và phụ thuộc nhiều nhất vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, có một tên tuổi luôn giữ vững được vị trí số 1 thế giới nhờ vào sức mạnh chuỗi cung ứng “kinh điển” của mình. Đó chính là Toyota, đối thủ nặng ký nhất của VinFast ngay tại Việt Nam.
Chuỗi cung ứng của Toyota được đánh giá là có hiệu quả về chi phí tốt nhất thế giới nhưng vẫn giữ được sự hài lòng của khách hàng, chất lượng sản phẩm cao và thời gian hoàn thành ngắn. Duy trì một “mức dịch vụ hợp lý”, sản phẩm luôn hướng tới khách hàng vào đúng nơi, tại đúng thời điểm và các đại lý luôn được bổ sung đúng sản phẩm, với đúng số lượng và vào thời gian chính xác nhất, đó là những gì Toyota được người tiêu dùng công nhận.
Cùng nhìn qua chuỗi cung ứng ô tô luôn được xem như “ví dụ kinh điển” trong kinh doanh này.
Nhà cung cấp
Nhà cung cấp có giá thấp nhất không phải là tiêu chí lựa chọn chính của Toyota, công ty này tin vào quá trình “cùng hợp tác và phát triển với nhà cung cấp” để có những đối tác lâu dài và hiệu quả nhất.
Nhà cung cấp của Toyota sẽ làm việc trực tiếp với phòng ban phát triển sản phẩm và sản xuất tất cả phụ kiện theo yêu cầu. Giữa nhà cung cấp và Toyota luôn duy trì sự chia sẻ thông tin ở mức cao nhất nhằm giảm thời gian cho giai đoạn thiết kế, phát triển cũng như khi đưa vào sản xuất.
Toyota còn thường xuyên sắp xếp các nhân sự của mình qua hỗ trợ trực tiếp nhà cung cấp để chia sẻ công việc và thậm chí trao đổi các nhân sự lâu năm ở Toyota sang các vị trí cấp cao tại nhà cung cấp. Điều này góp phần thúc đẩy sự tương thích cao giữa hai bên, đồng thời áp dụng được mô hình “sản xuất tinh gọn” do chính Toyota lập ra.
Toyota luôn hướng tới việc thiết lập mối quan hệ lâu dài với một nhà cung cấp lớn, điều này có thể tăng nguy cơ khi nhà cung cấp này không đáp ứng được nhu cầu, nhưng nó lại gia tăng sự tin tưởng và cam kết hợp tác một cách linh hoạt hơn khi so sánh với quan hệ giữa người mua và người bán thông thường.
Sản xuất
Toyota luôn có một hệ thống các nhà cung ứng trong phạm vi 100 km xung quanh nhà máy của mình. Nhà cung ứng luôn được cung cấp một mức “sản xuất tối thiểu” để cung cấp cho nhà máy Toyota nguyên liệu đầu vào với giá thành và chất lượng tối ưu nhất.
Toyota là công ty dẫn đầu trong các mô hình sản xuất khi tự đưa vào Mô hình Sản Xuất Toyota (Toyota Production System). Mô hình này ứng dụng “chiến thuật kéo” khi đưa nhu cầu của khách hàng làm trọng tâm cho sản xuất và sử dụng dây chuyền hình chữ U để tối ưu hóa nhân lực và thời gian sắp xếp.
Thêm vào đó, mô hình sản xuất của Toyota luôn được lên kế hoạch rõ ràng để tối thiểu hóa chi phí và nguyên vật liệu dư thừa. Đặc biệt, Toyota luôn đảm bảo quy trình six sigma để hạn chế mọi nguy cơ có thể xảy ra.
Kết quả đạt được qua những ứng dụng này là một mô hình sản xuất với chi phí tối thiểu và thời gian phản ứng nhanh nhạy, giúp Toyota có thể nhanh chóng đưa ra sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường.
Phân phối
Về hệ thống đại lý, Toyota áp dụng “phong cách Toyota” để quản lý đại lý dựa trên 3 nguyên tắc chính:
- Đại lý được toàn quyền quyết định về sản phẩm.
- Toyota sẽ cùng phát triển với đại lý như hai đối tác, và
- Cạnh tranh là yếu tố quan trọng nhất để phát triển
Và chuỗi cung ứng của Toyota đã giúp công ty này trở thành số 1 thế giới.
Toyota luôn sắp xếp cho hệ thống phân phối toàn cầu của mình một dịch vụ vận chuyển riêng biệt. Các tuyến đường được hiệu chỉnh và định tuyến hàng ngày để đem lại hiệu quả cao nhất cho từng lô hàng dù là nhỏ nhất.
Toyota là hãng sản xuất ô tô đầu tiên áp dụng mô hình tối giản cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình. “Triết lý tinh gọn” của Toyota không chỉ nằm trong sản xuất mà còn áp dụng trên toàn chuỗi cung ứng để tối ưu hóa thời gian, nhân lực, tài sản và nâng cao năng suất nhưng vẫn đồng thời giữ được mức chất lượng dịch vụ khách hàng.
Trong quan hệ với nhà cung cấp, qua việc hướng đến hợp tác suôn sẻ để gia tăng chất lượng và giảm giá thành nguyên liệu đầu vào. Toyota luôn đề cao giá trị hợp tác với nhà cung cấp so với giá thành. Nhà cung cấp được tham gia ngay từ quá trình nghiên cứu và phát triển giúp hai bên hoàn toàn linh hoạt với những thay đổi của xu hướng thị trường.
Và Toyota luôn đổi mới để phát triển. Sau đợt động đất và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản, Toyota và hàng loạt các hãng ô tô tại Nhật phải tạm hoãn hoạt động kinh doanh trên khắp thế giới trong nhiều tháng trời khi các nhà cung cấp ở phía Bắc nước Nhật không thể nào hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Toyota ngay lập tức đưa ra các chính sách ngăn ngừa rủi ro thiên tai bằng 3 hướng. Thứ nhất, tiêu chuẩn hóa nhiều bộ phận để nhiều nhà cung cấp khác nhau có thể dễ dàng hỗ trợ. Thứ hai, yêu cầu nhà cung cấp dự trữ một lượng tồn kho lớn hơn, đặc biệt là những bộ phận đặc thù và lưu trữ những sản phẩm này tại những nơi an toàn khác nhau, đồng thời Toyota ra sức đầu tư vào công nghệ để gia tăng sự lựa chọn cho các bộ phận đặc thù, chẳng hạn như các bộ phận làm từ kim loại quý tại Trung Quốc. Và cuối cùng, Toyota thành lập từng khu vực sản xuất khép kín riêng, từ thu mua cho đến phân phối để tránh ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.
Từ lúc xuất hiện tại thị trường Việt Nam, Toyota luôn giữ vững được ngôi vương nhờ vào những lợi thế không thể chối cãi trên. Liệu VinFast cùng tinh thần Việt Nam có thể chiến thắng gã khổng lồ này?
brandsvietnam.com