Thị trường bán lẻ Việt: Kiềm chế tham vọng của Central Group
Trong chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuần trước, Central Group tuyên bố sẽ đầu tư thêm 17 tỷ baht, tương đương 511 triệu USD, vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Điều này cho thấy tham vọng của Central Group là muốn tiến thật nhanh nhằm mở rộng “lãnh địa” một cách nhanh nhất trong thị trường bán lẻ ngày càng có nhiều đối thủ tham gia này.
Tờ Bangkok Post cho hay với kế hoạch đầu tư này, Central Group muốn đẩy doanh thu tại Việt Nam đạt 1,05 tỷ USD trong 2017 và đặt mục tiêu tăng trưởng 20-30% mỗi năm tại Việt Nam.
Tốc độ chóng mặt
Số tiền đầu tư này, cộng với 1,1 tỷ USD mà Central Group bỏ ra để mua lại hệ thống Big C VN và một khoản tiền không được công bố để mua một phần chuỗi siêu thị Nguyễn Kim và Lan Chi, tập đoàn Thái Lan này chính là nhà đầu tư nước ngoài bạo chi nhất trong lĩnh vực bán lẻ ở VN.
Hiện tại Central Group đang sở hữu 179 cửa hàng tại Việt Nam, gồm cả siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng điện máy, cửa hàng thời trang và cửa hàng thể thao. Đó là còn chưa kể tới hai trang thương mại điện tử. Ngần đó cũng đủ để đưa Central Group trở thành một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Nhưng với kế hoạch đầu tư thêm hơn 500 triệu USD nữa, Central Group cho thấy tập đoàn này còn muốn “lãnh địa” của mình tại Việt Nam mở rộng với tốc độ “chóng mặt”.
Ông Tos Chirathivat, Tổng giám đốc Central Group, khẳng định tập đoàn này sẽ dùng 1-2 tỷ baht để mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong năm nay, trong đó có kế hoạch mở thêm 30 siêu thị mới của chuỗi điện máy Nguyễn Kim, nơi tập đoàn này đang nắm 49% vốn. Khoảng 7 tỷ baht nữa sẽ được chi vào năm sau để mở thêm 20 siêu thị Big C và chuỗi bán buôn Lan Chi Mart, cùng với 20 cửa hàng Nguyễn Kim. Số tiền còn lại sẽ tiếp tục được đầu tư trong ba năm tiếp theo, từ 2019-2021.
Phả hơi nóng tới các DN FDI khác
Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, vì vậy đã thu hút nhiều DN bán lẻ nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đầu tư khai thác. Chính vì vậy, nếu kế hoạch đầu tư được mở rộng đúng như Central Group tuyên bố, tập đoàn này đang phả một hơi nóng rất mạnh vào gáy các nhà bán lẻ khác như TCC Holdings, Aeaon, Coopmart, 7-Eleven... Chiến lược M&A liên tiếp được thực hiện trong hai năm qua cho thấy Central Group thực sự coi Việt Nam là thị trường chiến lược và không muốn bị chậm chân.
Tập đoàn Central của Thái Lan dự kiến chi 17 tỷ baht (511,7 triệu USD, tương đương 11.600 tỷ đồng) để mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới
Hiện tại ngoài những hệ thống siêu thị lớn như Big C, Coopmart và Aeon, thị trường bán lẻ đang chứng kiến sự mở rộng của rất nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi và minishop. Các con số về sự mở rộng chuỗi cửa hàng của các nhà bán lẻ cũng cho thấy điều đó. Theo thống kê đến khoảng tháng 2/2017, Circle K đến từ Mỹ có khoảng 242 điểm bán, B’s mart có 159, Shop & Go có 121 và Family Mart cũng từ Nhật có khoảng gần 150 điểm, Ministop đang giữ số lượng thấp hơn với khoảng 80 điểm bán, đó là chưa kể DN nội Vinmart. Chính những cửa hàng nhỏ đó đang buộc những chuỗi đại siêu thị như Big C và Aeon phải mở rộng theo nếu không muốn mất thị phần. Trong thời gian tới, khi cả Big C và Aeon đều cùng mở rộng, cuộc đua tranh trên thị trường bán lẻ sẽ càng hấp dẫn. Người thắng cuộc sẽ là những người có nguồn lực dài hơi.
DN Việt xây dựng kênh phân phối đối trọng
Mới đây, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) đã đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở “bắt tay” của 4 DN bán lẻ hàng đầu của Việt Nam với doanh thu đến 4 - 5 tỷ USD/năm. Đó là Saigon Co.op, PhuThai Group, Satra và Hapro.
Khi nói đến việc DN bán lẻ bắt tay thành lập tập đoàn bán lẻ đủ mạnh đối chọi với DN nước ngoài, TS Đào Xuân Khương - chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ nêu rõ: Ở nhiều quốc gia đều có những tập đoàn bán lẻ cỡ lớn định hướng cho bán lẻ chuyên nghiệp, xâm nhập thị trường mới để khai thông cho hàng hóa nước họ vào tiêu thụ chứ không để một mình DN tự đi tìm thị trường xuất khẩu. Điều đó cho thấy việc thành lập một tập đoàn bán lẻ quy mô cấp quốc gia, có trình độ và tầm nhìn quốc tế là điều cần thiết.
“Trước mắt để hoạt động hiệu quả có thể làm theo mô hình của VinMart+ hay Thế Giới Di Động đã làm. Ngoài ra có thể tập trung đầu tư cho Saigon Co.op để đơn vị này đi đầu, xây dựng thành một tập đoàn lớn mạnh, từ đó phát huy được sức mạnh và vị trí của bán lẻ Việt Nam để hỗ trợ DN sản xuất quảng bá, tiêu thụ hàng Việt” - TS Đào Xuân Khương đề xuất.
enternews.vn