Thương mại điện tử, kích thích cuộc chiến giao và nhận

Sự bùng nổ của các trang thương mại điện tử ở Việt Nam đã dẫn đến một cuộc đua tranh không kém phần khốc liệt giữa các công ty giao nhận hàng, trong đó có cả những tên tuổi sừng sỏ nổi tiếng thế giới.

 
Cách đây hơn một tháng, Deutsch Post DHL, tập đoàn vận chuyển giao nhận hàng đầu thế giới, đã chính thức ra mắt dịch vụ phân phối nội địa tại Việt Nam mang tên DHL eCommerce. DHL cho biết đây là mạng lưới vận chuyển nội địa “đo ni đóng giày” được thiết kế cho phù hợp với sự bùng nổ thương mại điện tử hiện nay, đồng thời hỗ trợ các DN kinh doanh trực tuyến vừa, nhỏ và lớn gia tăng thị phần trong phân khúc thương mại điện tử Việt Nam.
Với sự ra đời của DHL eCommerce, tập đoàn DHL (Đức) đã tiến thêm vào một phân khúc đang nở rộ tại Việt Nam

Khi ông lớn... nhòm ngó

 
Có mặt ở thị trường Việt Nam cũng khá lâu, nhưng với sự ra đời của DHL eCommerce, tập đoàn Đức đã tiến thêm vào một phân khúc đang nở rộ tại Việt Nam. Ông Charles Brewer, CEO của DHL eCommerce cho rằng: “Với chi tiêu thương mại điện tử dự kiến tăng khoảng 23% mỗi năm từ nay đến năm 2020, các nhà bán lẻ trực tuyến địa phương cần có các giải pháp hậu cần, vận chuyển chất lượng cao hơn bao giờ hết để mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động trên toàn quốc”.
 
Không thể phủ nhận rằng thương mại điện tử đang phát triển mạnh trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết tốc độ tăng trưởng thị trường hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tới 22%, tỷ lệ tiếp cận thương mại điện tử lên tới 28%. Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng tốc độ tăng trưởng còn tăng mạnh, có thể lên tới 30 - 50% mỗi năm.
 
Theo ông Tuyến, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh là vậy, nhưng một trong những điểm yếu mà các DN trong lĩnh vực này gặp phải là ở khâu giao nhận hàng. Ông Brewer cho biết DHL nhận ra có tới 66% người mua hàng trên các trang thương mại điện tử yêu cầu dịch vụ giao hàng đáng tin cậy. Nhưng có tới 57% số người được khảo sát cho rằng họ không hài lòng với dịch vụ giao hàng hiện tại, và 33% lại có những trải nghiệm không tốt về dịch vụ này. Tất nhiên, DHL đã nhìn thấy cơ hội từ đó để thành lập ra DHL eCommerce.
 

Không chỉ đua tốc độ

 
Trong lĩnh vực giao nhận hàng, tốc độ và độ tin cậy luôn là yếu tố quan trọng nhất, và các công ty trong lĩnh vực này như DHL sẽ phải chạy đua với nhau về tốc độ giao hàng theo đúng nghĩa đen. Ông Brewer cho biết DHL sẽ đảm bảo giao hàng trong vòng 1-2 ngày ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn.
 
Nhưng DHL eCommerce không chỉ phải chạy đua tốc độ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, mà còn phải chạy đua tốc độ để cạnh tranh với các đối thủ khác. Ở Việt Nam hiện tại có hơn 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, và cũng khá nhiều DN đã tham gia vào phân khúc giao hàng cho các Cty thương mại điện tử. Các tên tuổi lớn như EMS, ViettelPost ước tính đã có khoảng 14% thị phần trong phân khúc này tại Việt Nam. Một công ty khác là Giao Hàng Nhanh (GHN), dù mới xuất hiện từ năm 2012, nhưng đã chiếm được 7% thị phần. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Lazada Việt Nam (sở hữu hơn 30% thị phần thương mại điện tử nội địa) đã tách riêng bộ phận giao hàng thành một Cty độc lập mang tên LazadaExpress (LEX).
 
Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc LEX Việt Nam, trong lần trao đổi với báo chí gần đây đánh giá rằng giao nhận hàng thương mại điện tử vẫn còn cơ hội cho các Cty sáng tạo.
 
“Thương mại điện tử tại Việt Nam hiện mới chỉ đang ở những bước đầu tiên và hậu cần cho thương mại điện tử còn khởi động chậm hơn. Phần thắng sẽ thuộc về những DN đầu tư bàn bản, dịch vụ chuyên nghiệp và giá cả cạnh tranh nhất”, ông Thịnh cho biết.
 
Điều đó có thể lý giải vì sao GHN dù mới thành lập ít năm nhưng đã nhanh chóng chiếm được 7% thị phần. GHN đã cho thấy đây là Cty đi theo hướng trở thành một Cty cung cấp nền tảng kết nối, với các dịch vụ toàn diện gồm cả kho lưu trữ và áp dụng nền tảng công nghệ. Chính DHL eCommerce cũng không chỉ cung cấp dịch vụ giao nhận không, mà thậm chí còn đóng vai trò thu tiền luôn hộ cả Cty bán hàng, dịch vụ mà các Cty thương mại điện tử rất cần do phần lớn người mua hàng không thanh toán trực tuyến.
 
Theo ông Thomas Harris, Giám Đốc Điều Hành của DHL eCommerce Việt Nam, năm 2016 chỉ có 15% khách mua hàng online tại Việt Nam là trả tiền trực tuyến. Vậy nên, thanh toán bằng tiền mặt ngay khi giao nhận chính là yếu tố cần thiết để giúp thương mại điện tử thành công. Như vậy, nếu muốn thành công các công ty giao nhận hàng thương mại điện tử sẽ không chỉ chạy đua về tốc độ, mà còn phải đóng vai trò như là một đại diện của các công ty bán hàng trực tuyến với khách hàng trong việc thanh toán và cả đổi trả hàng. Nếu làm được như vậy, cơ hội thành công sẽ vẫn còn chia đều cho tất cả. 

enternews.vn

Bài khác

Bài viết mới