Tìm ra khẩu vị của người dùng là đối thủ lớn nhất

Ra mắt được 7 tháng và cán mốc 2 triệu lượt cài đặt vào tháng 5 vừa qua, ứng dụng đọc tin và giải trí KOLA đã tạo nên một kỳ tích trong cộng đồng start-up Việt Nam.

 
Đối với người sáng lập KOLA, ông Ðoàn Cường, còn rất nhiều kế hoạch ở phía trước.
 
Lựa chọn hướng đi đầy thách thức và chấp nhận tỷ lệ thành công ở mức 1/1.000.000, bản thân câu chuyện và con đường đi của KOLA đang ẩn chứa khá nhiều điều thú vị, bất ngờ ở phía trước. Một trong những điều này nằm ở chính bản thân người sáng lập của KOLA, không phải thế hệ start-up 8X – 9X mà chính là Giám đốc của Goldsun Frame Media, người đã có bề dày khai phá và phát triển thành công thị trường Frame Media tại Việt Nam, ông Đoàn Cường.
 

Giết thời gian một cách có ích

 
KOLA lấy câu slogan hiện tại là “vuốt cả bầu trời tin tức”, nhưng định vị này dường như đã có nhiều trang tổng hợp tin tức đã làm và khá thành công?
 
Thực tế, tin tức chỉ là một trong những nội dung mà KOLA mang đến cho cộng đồng, bên cạnh mảng tin tức được phân theo nhiều chủ đề khác nhau, KOLA còn có các tiện ích giải trí như: mục hài hước, chơi Game, kết nối với các dịch vụ giảm giá như địa điểm ăn uống, mua sắm, giải trí… Tất cả mới chỉ bắt đầu và chúng tôi vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện.  Chúng tôi đang thử nghiệm mô hình tạo thành các nhóm ở trên KOLA, trên đó, họ có thể kết nối, tương tác với nhau. Chỉ khi làm được như vậy thì mọi người mới sử dụng KOLA hàng ngày. Ngoài ra, việc cập nhật tin tức của chúng tôi cũng khác biệt. Cái hơn của KOLA so với các ứng dụng đọc báo khác là KOLA cho phép lọc thông tin theo sở thích của người dùng. Xa hơn nữa, chúng tôi đang hoàn thiện giải pháp để có thể địa phương hóa, cá nhân hóa tin tức theo vị trí và mối quan tâm của từng người dùng. Nghĩa là, những thông tin ở khu vực xung quanh người dùng sẽ hiển thị nhiều hơn. Theo tâm lý thông thường, chúng ta sẽ có xu hướng quan tâm hơn đến những gì xảy ra gần mình.
 
Bằng cách nào, thưa ông?
 
Chúng tôi xây dựng trí tuệ nhân tạo để nắm bắt thông tin về người dùng, biết họ ở đâu, là người như thế nào, mối quan tâm của họ là gì để từ đó đưa ra những gợi ý tốt nhất.

Và hình như KOLA còn có một sự khác biệt nữa là đọc tin lại được nhận tiền?
 
Đúng là giai đoạn đầu chúng tôi tập trung khá mạnh theo định hướng đó. Khi ấy, KOLA nghĩa là vừa đọc báo vừa có tiền (tích điểm thưởng và có thể quy đổi ra mệnh giá thẻ cài điện thoại, voucher…). Tuy nhiên sau một thời gian, khi lượng người dùng đã lên đến con số gần 1 triệu thì mới thấy số tiền bỏ ra thực sự rất lớn. Sau khoảng 4 – 5 tháng, chúng tôi thay đổi định hướng. Đến nay, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn duy trì việc tặng điểm 1 – 2 ngày mỗi tuần, nhưng chúng tôi chỉ tập trung vào những tin tức mình muốn khuyến khích người đọc và hữu ích cho cộng đồng, ví dụ những tin tức liên quan đến sức khỏe… Quan điểm của tôi là những gì thực sự có ích cho xã hội thì mình sẽ làm.
 
Nhưng làm thế nào để biết được chính xác là người dùng đã đọc hết nội dung bài viết để thưởng điểm cho họ? 
 
Chúng tôi tính toán dựa trên số lượt vuốt đến tận cuối bài viết và thời gian đủ để đọc hết bài viết.
 
Mỗi ứng dụng ra đời vốn dĩ đều bắt nguồn từ việc giải quyết một vấn đề hoặc mang đến một giải pháp cho người dùng, đối với KOLA đó là gì?
 
Một giải pháp cho mọi người “giết” thời gian một cách thú vị.
 
Nhưng nếu để giết thời gian thì đã có đế chế rất mạnh là Facebook rồi?
 
Nhưng nếu bạn quan sát kỹ sẽ thấy, nhiều người vẫn đang vuốt Facebook một cách rất vô thức. Tất nhiên việc giết thời gian mà chúng tôi đưa ra phải có ích, đó là lý do mà chúng tôi có những cách để khuyến khích mọi người tiếp cận những thông tin có ích hay nói cách khác, chúng tôi cung cấp thông tin có ích một cách vô thức cho mọi người. Thêm nữa, tôi muốn có một cái gì đó do chính người Việt Nam mình làm ra. Bạn thấy đấy, những thứ rất mạnh trên thế giới như Facebook, Google, Youtube đều là của nước ngoài. Ngay cả ở Trung Quốc, họ cũng tự sáng tạo rất nhiều thứ của dành cho người Trung Quốc sử dụng. Vậy thì tại sao mình không làm một cái gì đó hay ho cho người Việt Nam mình?
 
Để có thể thẩm định và lọc thông tin chất lượng cho người dùng, hẳn đội ngũ làm nội dung của KOLA cũng không hề ít?
 
Hiện tại chúng tôi có khoảng 40 bạn, mỗi người chịu trách nhiệm về mỗi nhóm chủ đề. Mỗi ngày trung bình chúng tôi có khoảng 1.200 tin tức mới được cập nhật.
 

Lựa chọn thách thức

 
Trung bình thời gian trải nghiệm KOLA của một người dùng trong một ngày là bao lâu, thưa ông?
 
Chúng tôi tính theo số lần vuốt. Tính trung bình, số lần mở điện thoại của mỗi người là 40 – 44 lần mỗi ngày. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì hiện nay số lần vuốt của người dùng đang rơi vào khoảng 122 lần mỗi ngày.

Vậy ý tưởng của KOLA đã ra đời trong hoàn cảnh nào?
 
Hàng ngày, đi trong thang máy tôi nhận thấy mọi người hầu như đều dành thời gian để hí hoáy điện thoại. Có hai thứ mọi người dùng là Facebook hoặc game. Tôi nghĩ mình phải làm ra một cái gì đó đặc biệt hơn, ý tưởng bắt đầu đơn giản như vậy thôi.
 
Một chút tin tức, một chút giải trí, một chút kết nối… vậy thực sự đối thủ hiện tại của KOLA là ai?
 
Đối với chúng tôi, việc tìm ra khẩu vị người dùng chính là đối thủ. Thực tế là, trước KOLA chưa có ai làm mô hình tương tự để chúng tôi có thể học tập, đó cũng là một thách thức. Thực ra, hiện tại tôi vẫn chưa nắm được mạch của thị trường. Vấn đề chúng tôi đặt ra là muốn mang một cái gì đó đến cho đối tượng đại chúng – nhu cầu số đông, từ trẻ đến già.
 
 
 
Hướng đến nhu cầu của số đông thực sự là một bài toán quá khó. Tại sao KOLA không tập trung vào một nhóm công chúng hẹp hơn?
 
Nhiều người cũng đưa ra lời khuyên như vậy với tôi. Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào nhóm chính là dân văn phòng, 25+. KOLA hiện rất phù hợp với đối tượng này. Những nhu cầu giải trí, dịch vụ… cũng đang chủ yếu hướng đến dân văn phòng. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu của KOLA, về đường dài, cái chúng tôi hướng đến là đi tìm một cái gì đó thỏa mãn nhu cầu của tất cả mọi người. Bạn hãy xem, ai cũng sử dụng Google, Facebook đấy chứ.  Tại sao họ vẫn giải quyết được nhu cầu đó của số đông? Nếu làm một sản phẩm nhắm đến ngách riêng thì cơ hội cao hơn rất nhiều, còn xác suất của con đường mà chúng tôi chọn, hướng đến thị trường đại chúng có khi cơ hội chỉ là 1/1.000.000 thôi. Và đương nhiên, sẽ phải tiêu rất nhiều tiền.

Nhưng cái khó đó là do ông tự lựa chọn đấy chứ? 
 
Đúng vậy. Ngày xưa vì cơm áo gạo tiền, chúng tôi đã làm và đã thành công với mảng kinh doanh rất hẹp là frame media. Giờ không phải lo chuyện tiền nong nữa thì phải làm cái gì đó để thỏa mãn mình và thách thức chính bản thân.
 
Làm một cái gì đó của người Việt, nếu thành công, ông có tính đến chuyện đưa nó ra thế giới để khẳng định niềm tự hào của Việt Nam?
 
Tôi đã đi lang thang nhiều nước để nghĩ đến điều đó.
 
Ngoài thách thức về thị hiếu của người dùng, còn thách thức nào cần phải vượt qua?
 
Tiền. Vẫn cần thêm tiền để “đốt” tiếp!
 
Ông có nghĩ đến hướng thu hút nhà đầu tư để có thêm nguồn lực?
 
Chúng tôi cũng để mở hướng đó, nhưng chưa phải là lúc này. Nhà đầu tư chỉ vào khi chúng tôi đã nắm được mạch của thị trường, đó là lúc mà thời gian mỗi người dành cho KOLA từ 23 phút như hiện nay tăng lên khoảng 1 tiếng – 1 tiếng rưỡi. Lúc đó cần thêm nhà đầu tư để tiếp tục đổ nguồn lực quảng bá mạnh hơn.
 
Thực ra đây mới chỉ là giai đoạn 1, tôi còn rất nhiều ý tưởng trên mobile cần hiện thực hóa. Cách tư duy của tôi là cứ mỗi khi trong cuộc sống có điều gì đó vẫn còn bất tiện cho người dùng thì mình sẽ tìm cách để giải quyết vấn đề đó.
 
Luôn tự đặt ra cho mình những bài toán khó, trong khi ông xuất thân không phải là dân công nghệ, làm thế nào để những người giỏi làm cho ông?
 
Bạn thấy đấy, Jack Ma xuất thân là giảng viên tiếng Anh, ông ấy không phải là dân công nghệ, tại sao ông vẫn xây dựng được một đế chế hùng mạnh như Alibaba? Thực tế là rất nhiều người giỏi về công nghệ thông tin lại không có đầu óc thương mại, họ nghĩ ra ý tưởng rất hay nhưng lại không thực tế và không có khả năng triển khai trên thị trường. Với các dự án công nghệ của mình, tôi là người đưa ra ý tưởng, trao đổi với CTO (giám đốc công nghệ), người làm công nghệ xem có làm được không. Nếu câu trả lời là làm được thì tiếp theo đó sẽ là một loạt những câu hỏi khác cần trả lời như: thời gian bao lâu, cần bao nhiêu người, tiêu bao nhiêu tiền, ai là người bơm tiền… Và khi đưa ra ý tưởng, mình hoàn toàn là người có thể truyền cảm hứng cho mọi người, làm cho người ta hiểu và tin cái đó sẽ thành công và làm cho người ta theo.

Và họ cũng sẽ được chia sẻ thành quả khi thành công chứ?
 
Đúng vậy, quan điểm của tôi là cùng trồng cây và sẽ cùng hái quả, quan trọng là đi con đường start-up thì sẽ không tránh khỏi những thời điểm khó khăn, lúc đó cần tinh thần sẵn sàng đồng cam cộng khổ. Khi thành công, họ sẽ cùng hưởng thành quả với mình.
 
Dù xác suất thành công chỉ là 1/1.000.000?
 
Đúng vậy, nhưng nếu đã thành công thì cực kỳ rực rỡ.
 
Ngoài hệ thống quảng bá trên frame media của Goldsun, những trải nghiệm trong quá trình làm ở Goldsun đã giúp ích ông với start-up này như thế nào?
 
Đầu tiên là kinh nghiệm quản lý, giúp mình hiểu con người. Thứ hai là mối quan hệ xã hội rộng. Thứ ba là tích lũy được một số tiền nhất định để có thể đầu tư dài hạn vào đây.

Có lẽ chỉ đến khi bắt tay làm start-up ông mới cảm nhận được cảm giác thử thách bản thân và đối diện với những khó khăn đặt ra từng ngày?
 
Đúng vậy, khó hơn rất nhiều so với những gì tôi đã trải qua. Hơn nữa, đây là một thứ mới hoàn toàn nên mình không thể học hỏi được từ ai, tất cả đều đang trong quá trình vừa làm vừa tìm hiểu. Mỗi con đường đi lại có những đặc thù rất khác mà những kinh nghiệm và bài học trong quá khứ chưa chắc đã giải quyết được. Chìa khóa để thành công trong quá khứ có thể là chìa khóa dẫn đến… thất bại trong tương lai. Bạn sẽ không thể dùng một chìa khóa của cánh cửa này để mở một cánh cửa khác.
 
Xin cảm ơn ông!

doanhnhanonline.com.vn

Bài khác

Bài viết mới